6 thg 8, 2011

9 Ý TƯỞNG CHO ĐÁM CƯỚI

Nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, đời sống của người dân cũng được nâng cao hơn. Do đó những lễ nghĩa cũng cần được thể hiện đàng hoàng. Không chỉ  sinh nhật, hội họp mà đặc biệt là đám cưới - ngày trọng đại nhất đời người lại càng được tổ chức "rùm beng" hơn.
Với nếp sống văn minh tổ chức đám cưới đơn giản. Những ý tưởng cưới dưới đây, biết đâu lại khiến bạn muốn thực hiện.
1. Cưới tiệc ngọt
Đây chẳng phải là ý tưởng mới mẻ bởi ngày xưa cưới tiệc ngọt đã là sang lắm rồi. Chỉ với bánh kẹo, miếng trầu, chén trà, nào phải cao lương mỹ vị, nhạc sống nhạc chín gì, vậy mà vợ chồng vẫn sống với nhau đến răng long đầu bạc. Nói ra cái sự ngày xưa âu cũng là để thấy, cưới, dù cao sang hay nghèo hèn cũng vẫn chỉ là cái lễ để đôi trẻ ra mắt 2 họ, tuyên bố một cuộc sống chung. Một đám cưới không tiệc tùng nhà hàng, cỗ bàn này nọ, tính ra nhẹ nhàng, mà gánh nặng nợ nần lại không đè lên vai 2 họ.


2. Cưới trọn gói
Nghe hoang đường quá: Từ ăn hỏi đến cưới xin chỉ mất ngót chục triệu. Đó là điều hoàn toàn có thể ở công ty Cưới hỏi APV Wedding. Cũng một lễ ăn hỏi đàng hoàng với cau, trầu, rượu, chè, mứt sen, bánh cốm, cũng tiệc cưới cho 100  khách mời (tất nhiên là tiệc ngọt) với champagne tràn ly, nhưng thay vì phải chạy ngược xuôi lo địa điểm tổ chức tiệc, mua bánh cốm hay mượn người bưng bê tráp, cả 2 gia đình chỉ lo mặc sao cho đẹp để tiếp khách. Vẫn cưới ở nhà hàng, lịch sự, văn minh, mà chi phí thì ở cái mức không thể tính tiết kiệm hơn được.

3. Cưới tập thể
Đã có không biết bao nhiêu đám cưới kiểu này ở khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Đám cưới chung vừa vui vẻ, đỡ tốn kém lại vô cùng ý nghĩa. Chẳng  tiệc lớn tiệc nhỏ, bạn bè họ hàng cứ kéo nhau đến ầm ầm, cùng vui niềm vui hạnh phúc với cả trăm đôi vợ chồng son. Vui như tết, tiết kiệm thì cũng khỏi kể làm gì. Có khi toàn bộ chi phí lại được nhà tổ chức, hoặc chính quyền đứng ra tài trợ cũng nên. Mà nếu có phải tốn kém thì việc chia nhỏ chi phí cũng tiết kiệm cho bạn trên mức mong muốn.


4. Cưới tại gia
Tính ra, chỉ riêng việc không mất tiền thuê địa điểm, xe đưa đón hai họ ra nhà hàng cũng đã tiết kiệm một khoản kha khá. Đấy là chưa kể việc nấu cỗ có thể giao đứt cho ai đó trong nhà. Cưới tại gia với người nông thôn thì dễ, chứ với người thành phố đúng là khó như với sao trên trời. Nhà có mười mấy mét vuông, phố xá chật hẹp thì lấy đâu ra chỗ mà cưới. Nhưng cái khó ló cái khôn, cưới tại gia đâu cứ là ở nhà mình. Khoảng sân tập thể thậm chí vỉa hè cũng có thể quây thành phòng tiệc. Ngày vui mà, mấy anh công an phường chắc cũng xuề xoà mà cho qua chuyện lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Khách mời cũng không vì thế mà phật ý, thậm chí còn vui hơn bởi mình được tiếp đón nồng hậu ngay tại nhà cô dâu chú rể chứ không phải đến nhà hàng, chào hỏi qua loa thân chủ rồi mạnh ai nấy ăn xong thì về.


5. Cưới ở nhà thờ
Với tôi, những đám cưới trong thánh đường bao giờ cũng trang  trọng  và thiêng liêng. Đâu cần tiệc lớn tiệc nhỏ, cũng chẳng mặn ngọt bánh kẹo gì, khách khứa là người thân thiết ngồi trong thánh đường, nghe đức cha đọc tuyên bố thành hôn cho đôi trẻ, rồi cô dâu chú rể trân trọng trao nhau nụ hôn hay cặp nhẫn cưới. Rồi vỗ tay, thế là hạnh phúc. Chi phí cưới ở nhà thờ tôi chẳng rành lắm, nhưng chí ít thì thấy 2 nhà cũng chẳng phải tốn kém cho chuyện tiệc. Thế là đỡ một khoản “nặng đô” nhất rồi. Có tốn kém chăng là ở váy áo, comple cho cô dâu, chú rể và xe đưa đón, nhưng cưới xin mà, có đầu tư xống áo cũng là chuyện đương nhiên.

6. Cưới hỏi kết hợp
Khi cô dâu quê mãi Hà Tĩnh mà chú rể người Hà Nội, thì có chăng kết hợp cưới hỏi một gói cho tiện. Cái lễ ăn hỏi đủ mặt cô dì chú bác và anh em bạn bè thân thiết nhất. 2 họ gặp gỡ, trao đổi xin cưới và xin dâu luôn thể. Chuyện ăn vận của cô dâu chú rể có thể chỉ đơn giản là áo dài và bộ comple mua gấp. Thôi thì đường xá xa xôi, mong các cụ bề trên, cô bác bề dưới đại xá. Tốn kém chẳng ở cách kết hợp cưới hỏi này chỉ mỗi tiền xe cộ chứ mấy lễ ăn hỏi thì có nặng nhọc gì đâu. Ý tưởng cưới hỏi đi đôi này xem ra có thể thực hiện ngay cả trong thành phố chứ cứ gì ở quê xa như thế?

7. Báo hỷ
Thời đại internet mà. Cưới ngày nào, giờ nào, ở đâu, chỉ đưa roẹt một cái lên mạng là xong. Bạn bè muốn biết cứ vào cái "chấm com hay chấm net" đấy mà đọc, rồi viết lời chia vui. Chi phí cho một thiệp báo hỷ online là khoảng 50.000 đ/2 tháng.
Nếu muốn lịch sự thì có thể in thiệp báo hỷ bằng giấy, rồi gửi khắp bạn bè, người thân. Hơn chăng nữa thì tổ chức một bữa cơm thân mật để 2 họ gặp gỡ, “bàn giao” con dâu, con rể. Có người bảo cưới thế thì “úi xùi” quá. Nhưng cả nước, thậm chí cả thế giới biết ta cưới, rồi bạn bè thân thích ai chả nhận được thiệp báo, sao lại gọi là “úi xùi”? Phải gọi đó là cưới hiện đại mới  đúng chứ?

8. Cắt giảm chi phí tối đa
Nếu không thể đơn giản hoá chuyện cưới thì bạn vẫn có thể giảm thiểu “nợ” cho mình sau này bằng cách “hạ tối đa chi phí”. Thay vì 200 cau cưới, hãy đề nghị nhà gái giảm xuống một nửa. Bánh cốm có hay không thì cũng không làm đám cưới bớt vui. Rượu nào mà chả là rượu lễ, thay Vodka Hà Nội cho Johnie Walker cũng có sao đâu.
Váy cô dâu thay bằng áo dài truyền thống vừa duyên dáng, lại có thể mượn bạn bè hoặc đi thuê với giá cũng không đáng bàn. Comple chú rể chỉ cần mua một bộ may sẵn với giá bình dân. Cùng lắm thì đi mượn bạn bè đã cưới, thể nào chả có thằng bạn có số đo giống với mình. Khách mời chỉ dăm ba chục đại diện, thế là có người đưa đón dâu rể rồi. Ít khách thì cỗ cũng theo đó mà giảm. Cứ bớt dần như thế, chi phí cưới cũng chỉ còn nằm trong khoảng cô dâu chú rể có thể tự trang trải.
9. Tìm nhà tài trợ
Ý tưởng này xem ra không tồi tí nào cả. Dán logo của nhà tài trợ trên phông cưới, mặc comple có in logo hay in logo trên thiếp mời, tại sao không chứ? Ít ra thì sau đám cưới bạn không phải méo mặt lo trả nợ cho một đám cưới hoành tráng, và bạn bè người thân thì chắc chắn không thể bỏ qua cái cách quảng cáo quá ấn tượng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét